Ba câu chuyện lòng của phụ huynh trường tư thục

Lượt xem:

Đọc bài viết

(GDVN) – Anh Hoàng khẳng định: “Mặc dù mức học phí trường tư cao hơn hẳn nhưng tôi vẫn sẽ tiếp tục cho con theo học trường tư”.

Câu chuyện thứ nhất: “Phụ huynh được giám sát hoạt động của nhà trường”

Anh Hoàng (40 tuổi) có con đang học tại trường tiểu học Nguyễn Siêu (Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội) mở đầu câu chuyện bằng việc nhắc lại …..

“Sau vụ việc đó nhiều phụ huynh trong khu chung cư nơi tôi đang ở nháo nhác yêu cầu trường học cho kiểm tra nguồn thực phẩm đưa vào trường học.

Câu trả lời là Không! Tôi không biết rằng việc kiểm tra thực phẩm tại các trường công lại trở nên khó khăn như vậy”.

So sánh với ngôi trường nơi con anh đang học, anh Hoàng cho biết:

“Phụ huynh có thể yêu cầu kiểm tra thực phẩm bất cứ lúc nào. Cho nên chúng tôi cảm thấy yên tâm hơn với chất lượng thực phẩm tại trường”.

Chị Hoa, một phụ huynh khác có con đang học trường tư kể chuyện:

“Nhiều lần tôi chứng kiến có phụ huynh tiến vào bếp để kiểm tra đột xuất nguồn thực phẩm nấu ăn cho các cháu.

Phụ huynh kiểm tra như thế này để đảm bảo bếp không tráo thực phẩm.

Tôi biết có nhiều trường học sinh kể cứ đến khi có đoàn kiểm tra thì con được ăn ngon.

Muốn kiểm tra thực phẩm cho các con cũng khó phải thông qua ban nọ, ngành kia”.

Theo chị Hoa phân tích: Chúng tôi đóng tiền với mức học phí cao vào trường đồng nghĩa với việc các trường phải cung cấp dịch vụ với chất lượng tốt nhất.

Mối quan hệ ở đây là mối quan hệ giữa khách hàng và đơn vị cung cấp dịch vụ.

Vì thế khách hàng có quyền yêu cầu và đòi hỏi những dịch vụ tương xứng với số tiền họ bỏ ra. Hoàn toàn không có sự mặc cảm nào cả.

Nhiều trường công lập sẽ được xây dựng theo hướng tự chủ tài chính (Ảnh: VTV)

Câu chuyện thứ hai: “Tôn trọng ý kiến của học sinh, không có sự áp đặt”

Anh Hoàng từ tốn kể câu chuyện thứ hai:

“Tôi có anh bạn cho con học trường tư, học phí rất cao, chi phí rất đắt đỏ. Những đứa trẻ học ở đấy được học tiếng Anh, giao tiếp bằng tiếng Anh.

Chúng nó không phải học thêm học nếm gì cả. Nếu trẻ cảm thấy giáo viên không phù hợp có thể yêu cầu đổi giáo viên.

Nếu trẻ cảm thấy không hứng thú có thể không học bài, không ai ép và không cố nhồi nhét.

Ở đây khuyến khích bày tỏ quan điểm, không có chuyện thầy giáo đánh học sinh. Đánh học sinh phụ huynh nó kiện cho đuổi việc ngay”.

Để tăng tính thuyết phục cho câu chuyện này, anh Hoàng dẫn chứng nhiều vụ bạo lực học đường: thầy đánh trò, trò đánh thầy thường xảy ra ở trường công.

“Vụ cô giáo tát học sinh 231 cái xảy ra ở trường công.

Vụ hiệu trưởng Đinh Bằng My lạm dụng tình dục trẻ em nam cũng xảy ra ở trường công….Còn rất nhiều vụ nữa có thể tham khảo trên mạng.

Trong khi đó tôi từng chứng kiến có lớp học ở trường tư, học sinh “đình công” để phản đối cách dạy của giáo viên bằng cách không học bài.

Những việc đó học sinh trường công có dám làm. Còn nếu bạo hành diễn ra ở trường tư phụ huynh họ có chịu để yên”.

Anh Hoàng phân tích: Nội hàm trong tư tưởng của phụ huynh trường tư và trường công cũng có sự xung đột.

Trường công phụ huynh thường bị uy quyền của nhà trường lấn át không dám phản ánh cái sai vì sợ con mình bị trù dập.

Trong khi ở trường tư phụ huynh xác định rõ mình là khách hàng. Khách hàng thì luôn đòi hỏi những dịch vụ và yêu cầu tốt nhất.

Câu chuyện thứ ba: “Không phải mất tiền quà cáp cho giáo viên”

“Trong học phí chúng tôi đóng cho con cái đã bao gồm tất cả mọi thứ. Do đó những ngày lễ, Tết phụ huynh không cần phải quà cáp, phong bao, phong bì gì cho giáo viên cả. Cũng không cần phải lo giáo viên trù dập con em mình”.

Một trong những ưu điểm của trường tư theo anh Hoàng đó là hạn chế được tiêu cực và nhũng nhiễu:

“Tôi biết có một chị con học lớp 6. Cô giáo chủ nhiệm thường xuyên làm nhiều chiêu trò, bày ra hết khoản này khoản kia để thu tiền.

Học sinh học ở lớp chị ta chỉ dạy một nửa, còn một nửa dạy ở lớp học thêm. Thậm chí tại lớp học thêm giáo viên còn dạy vượt chương trình.

Thành ra những em không đi học thêm nhà cô sẽ không theo kịp các bạn. Phụ huynh bức xúc nhờ nhà báo vào cuộc.

Thế nhưng khi nhà báo gọi điện cho phụ huynh thì họ từ chối còn bảo vụ này đưa ra chị lại phải lo chuyển trường cho con. Nên thôi đành chấp nhận em ạ”.

Trường tư đang là một sự lựa chọn của nhiều phụ huynh (Ảnh: CAND.COM.VN)

Bài toán anh Hoàng đặt ra: Tôi đóng 10 triệu cho con đi học một tháng. Tiền đó đã bao gồm tất cả và trọn gói. Vì thế tôi không phải quà cáp, chăm sóc giáo viên.

Thứ hai con không phải đi học thêm. Tiếng trường công học phí rẻ nhưng đến cuối buổi học sinh lại phải đi học thêm.

Như thế thì tính ra tiền học tuy rẻ nhưng cộng cả tiền học thêm thì cũng không còn rẻ nữa.

Để kết thúc ba câu chuyện của mình, anh Hoàng vẫn rất tự tin: “Tôi hài lòng và cho rằng quyết định cho con học trường tư là một quyết định rất sáng suốt.

Dù học phí có thể cao hơn nữa nhưng tôi vẫn sẽ cho con học trường tư”.

Nguồn ST: http://giaoduc.net.vn